01/10/2022 08:36

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

"Lucky Boy" - đó là biệt danh hãng thông tấn tại Australia đặt cho cậu bé Lù Văn Chiến (10 tuổi, xã Nậm Khòa, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) sau ca phẫu thuật lấy lại đôi chân bị liệt suốt 8 năm. "Sự may mắn đến từ nỗ lực tuyệt vời của nhiều người tốt, trong đó có chị Mai Vy", một tờ báo đã viết.

Với Chiến, điều may mắn hơn đối với bản thân đó là không chỉ lành lặn mà giờ còn có thêm một người mẹ, một gia đình yêu thương đúng nghĩa.

Cậu bé Nùng lết đôi chân đi tìm con chữ

Khi Lù Văn Chiến chào đời, cha cậu vướng vào lao lý, người mẹ cũng đột ngột bỏ sang bên kia biên giới chỉ vì đôi chân con mang dị tật bẩm sinh. Cậu bé lúc đó chỉ biết nương tựa vào đôi bàn tay của bà nội và chú thím.

Lên 8 tuổi, Chiến chỉ nhỉnh hơn 10 kg. Con đường đến trường khó khăn là vậy nhưng Chiến chưa bao giờ từ bỏ. Mỗi sáng, khi nội cõng tới cổng trường, cậu học trò nhỏ bé lại tiếp tục dùng đôi bàn tay kéo lê thân người, bám theo đám bạn vào lớp học.

Tháng 9/2018, bà Mạch Diệp (một Việt kiều người Na Uy) tổ chức buổi thiện nguyện tại xã Nậm Khòa. Khoảnh khắc chứng kiến cậu bé lết dưới đất, cả người lấm lem bùn đất khiến bà nghẹn ngào.

Đêm đó, bà đăng clip cậu bé lên mạng xã hội cùng lời cầu cứu: "Có ai giúp được không?".

Đáp lại lời kêu gọi đó, nhiều bác sĩ đồng ý hỗ trợ. Khi đó chỉ có một phương pháp duy nhất là cắt toàn bộ chi hư và ghép cho cậu bé một đôi chân giả.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Không chấp nhận điều đó, người phụ nữ vẫn tìm kiếm hy vọng tốt hơn cho đứa trẻ lần đầu quen biết. Một khoảng thời gian sau, Chiến được đưa xuống Hà Nội. Thế nhưng, ca phẫu thuật diễn ra không suôn sẻ, bác sĩ đành bó bột và trả cậu trở về gia đình.

Câu chuyện về hành trình tìm đôi chân cho cậu bé Nùng khiến hàng nghìn người Việt Nam xúc động. May mắn lần nữa mỉm cười khi một nhóm thiện nguyện tại TPHCM đã kết nối với giáo sư, bác sĩ Trần Anh Tôn - chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình đang sống và làm việc ở thành phố Melbourne (Australia). Ông nhận lời giúp Chiến bằng cách thăm khám qua video.

"Thời điểm đó, xung quanh nơi Chiến sống không ai biết tiếng Anh. Mình nằm trong nhóm thiện nguyện, là một giáo viên dạy tiếng Anh lại mười mấy năm chăm con bại não, rất thấu hiểu hoàn cảnh nên đã đồng ý sẽ tham gia hỗ trợ dịch thuật", chị Vy nhớ lại.

Ban đầu, chị Vy phải giấu nhẹm chuyện với gia đình. Chị nói dối chồng ra Hà Nội cho chuyến công tác gấp. Đến lúc bạn bè, người thân biết ý định cưu mang đứa trẻ tật nguyền, tất cả nhất nhất ngăn cản.

"Chồng mình lái xe, mình thì lương giáo viên, có thêm đứa con bại não nữa nên thật sự kinh tế khó khăn, chạy cơm từng bữa thôi. Nhưng mỗi đêm dòng suy nghĩ nếu để đứa trẻ ấy ở lại nó sẽ mãi mãi không di chuyển, rồi sau này rơi vào con đường như cha nó khiến mình không thể nào chợp mắt nổi…", chị Vy tâm sự.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Ngay hôm đó, nữ giáo viên quyết định đặt vé máy bay, một mình vượt 2 ngày đường tìm đến nhà của Chiến tại huyện Hoàng Su Phì. Lần đầu chứng kiến hình ảnh cậu bé da bọc xương, bò dưới đất lấm lem, xung quanh đầu bị người nhà cắt lởm chởm tóc vì những vết sẹo chằn chịt… chị òa lên khóc nức nở.

"Bản năng làm mẹ khiến mình yêu thằng bé vô cùng. Và có điều đặc biệt nào đó, Chiến bình thường không bao giờ nói chuyện nhưng hôm đó bỗng gọi mình bằng mẹ. Khoảnh khắc ấy, mình quyết bằng mọi giá phải đưa thằng bé rời khỏi đỉnh núi này để đi tìm chân…", chị Vy kể.

Ca phẫu thuật được viết bằng tình yêu và cậu bé "Lucky boy" nổi tiếng thế giới

Hôm sau, để hội chẩn trực tuyến với bác sĩ Trần Anh Tôn, chị Vy quyết định ở lại Trường Tiểu học nội trú Nậm Khòa bởi đây là nơi duy nhất trong xã có mạng Internet. Sóng điện thoại chập chờn liên tục, vết thương ghép ra lắp vào chi chít đang hoại tử trên người Chiến khiến mọi người sốt ruột.

Cuối cùng sau vài giờ, bác sĩ Tôn nhận định hoàn toàn chữa lành cho cậu bé mà không cần cắt chân. Thế nhưng, ca phẫu thuật ấy chỉ được thực hiện tại Australia.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Khó khăn chồng chất, nhưng chị Vy vẫn quyết tâm đưa Chiến đi tìm lại đôi chân. Ảnh: NVCC.

Chứng kiến quyết tâm đưa đứa trẻ xa lạ ra nước ngoài điều trị của vợ, anh Nghĩa (chồng chị Vy) vô cùng lo ngại. Anh nói: "Nhà mình đã có một đứa bại não, giờ thêm cậu bé này, em đủ sức không?",

Trước câu hỏi đo của chồng, chị Vy vẫn khẳng định: "Em là một người bình thường, nhưng em muốn sống cuộc đời không bình thường…"

Với quyết tâm của mình, chị Vy nhanh chóng làm thủ tục để đưa Lù Văn Chiến sang Australia. Thế nhưng, một lần nữa mọi chuyện lại rơi vào bế tắc. Thứ nhất, chị Vy không có quan hệ máu mủ với Chiến. Thứ hai, bố bé đang trong trại giam, mẹ ở bên kia biên giới, thời điểm đó không ai có thể chứng nhận ủy quyền cho chị thực hiện nguyện vọng. Thậm chí hôm ở lãnh sự quán, đứng trước yêu cầu phải sang Trung Quốc tìm bằng được mẹ Chiến, chị Vy chỉ biết gượng cười, không lời đáp.

"Khó khăn chồng chất khó khăn, đôi lúc nản lòng ghê gớm. Mỗi đêm nhắm mắt, thấy hình ảnh con lấm lem bùn đất, mình bật khóc nhiều lắm. Có lẽ chính tình yêu thương và sự kiên cường ấy, nhiều người trong và ngoài nước, lẫn chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã tham gia giúp sức", chị Vy kể và cho biết cuối cùng lá thư mong mỏi cứu giúp Chiến của mình gửi đến lãnh sự quán Australia đã khiến tất cả đều xúc động.

Ngày 21/11/2019, chị Vy cùng con trai và bé Chiến lên đường sang nước ngoài để thực hiện ca phẫu thuật. Thời điểm đó, tại Bệnh viện St John of God Berwick ở Melbourne, Chiến bị một loại vi-rút nguy hiểm tấn công khiến da thịt cậu liên tục lở loét, chảy máu.

Trước tình cảnh đó, chị Vy đành gửi con cho vợ bác sĩ Trần Anh Tôn để bản thân có điều kiện chăm cho Chiến tăng thêm 4 kg. Việc này nhằm giúp bé trai đủ điều kiện sức khỏe tham gia mổ.

Ngày 25/9, ca phẫu thuật của Chiến kéo dài 9 giờ đã thành công. Tỉnh dậy trên giường bệnh, Chiến nhìn chị Vy òa lên nức nở khiến chị không kìm nước mắt.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Chiến hạnh phúc sau khi ca phẫu thuật thành công. Ảnh: NVCC.

Khoảng thời gian sau đó, cả hai đồng hành cùng nhau tập vật lí trị liệu. Những bước đi đầu tiên của Chiến luôn bắt đầu và kết thúc trong máu và nước mắt. Thế nhưng, chưa bao giờ cậu bé rên la.

Một lần từ ngoài trở về, Vy thấy cậu hí hoáy viết trên đôi chân bó bột. Một bên, Chiến viết "Con yêu mẹ", chân còn lại có chữ "Mẹ Vy" kèm thêm hình trái tim. Lúc này, chị nhận ra, cậu bé là người xa lạ đã yêu thương mình đến nhường nào.

"Mình không suy nghĩ và cảm thấy vất vả gì hết. Mình chỉ biết với Chiến, đó là một sợi dây định mệnh", chị Vy kể.

Câu chuyện về tình mẫu tử "bất đắc dĩ" của Chiến và chị Vy lấy đi nhiều nước mắt của y bác sĩ tại bệnh viện St John of God Berwick. Các tờ báo ở Australia, Hoa Kỳ, Anh… tìm tới và viết bài về hai mẹ con. Họ gọi đó là ca mổ lịch sử, bởi nó không chỉ được viết nên bằng y học mà còn là cả tình người vô bờ bến. Người dân Australia cũng đặt biệt danh thân mật cho Chiến là "Lucky boy" (cậu bé may mắn-PV).

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

"Con mong thành bác sĩ để trả ơn mẹ và đời..."

Trải qua một mùa Giáng sinh tại Australia, cuối năm 2019, chị Vy cùng hai con trở về Việt Nam. Thời điểm đó, Chiến đã tự thân di chuyển nhưng chân vẫn còn đeo nẹp định vị. Nghĩ đến chuyện đưa con trở về Hà Giang, người thân không biết cách chăm sóc sẽ khiến tình trạng trở về như cũ, chị Vy quyết định thuyết phục gia đình lần nữa cho Chiến ở lại Kon Tum.

"Mẹ có một em bé bị tật nguyền, không có gia đình. Mẹ muốn đưa em về nhà, con thấy sao?", câu hỏi đó chị Vy đặt ra với đứa con út qua điện thoại trước giờ lên máy bay.

"Đừng bỏ em! Tội lắm! Mẹ đưa em về đi, mình có cái gì thì em ăn cái đó, có chỗ ngủ con chia cho em…", đứa trẻ 10 tuổi thủ thỉ với mẹ.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Chị Vy đưa cậu con trai nuôi trở về quê hương sau 2 năm dịch Covid-19. Ảnh: NVCC.

Tháng 7 vừa qua, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, gia đình chị Vy đã lái ô tô đưa Chiến trở về quê hương. Ngày đoàn tụ, cả xã nhỏ Nậm Khòa đều vỡ òa hạnh phúc vì giờ đây Chiến đã tự chạy nhảy, vui đùa.

Chị Vy cũng đã gọi điện cho cha Chiến sau khi anh ra tù với mong mỏi cho anh gặp con. Thế nhưng, người cha giờ đã có gia đình mới.

Chị Vy đã hỏi ý kiến gia đình rồi lập kế hoạch giúp Chiến có gia đình trọn vẹn."Hôm mình ghi tên con vào hộ khẩu, chị vẫn đề tên con là Lù Văn Chiến. Chiến thắc mắc: Tại sao cả gia đình họ Trần, riêng con họ Lù? Mình chỉ cười và nói với con rằng ba con họ Lù nên con cứ để vậy, còn con mãi mãi là con của mẹ. Câu nói ấy làm Chiến càng yêu mình hơn", người phụ nữ với gương mặt phúc hậu tâm sự.

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Cậu bé Nùng liệt 2 chân đổi đời nhờ người mẹ nuôi

Bây giờ, Lù Văn Chiến đã học lớp 4, chậm hơn một lớp so với các bạn đồng lứa. Nhưng thay vì lết đôi chân đi tìm con chữ, cậu đã có thể đạp xe đến trường, chạy nhảy cùng chúng bạn, đêm đêm nghe các anh chỉ dạy bài toán khó và quây quần bên mâm cơm có mẹ có cha… Đó mãi mãi là một kì tích.

"Có hôm chồng mình hỏi vui là Chiến sau này lớn nuôi ai? Chiến đáp luôn mẹ Vy. Mình bèn hỏi sẽ làm nghề gì để nuôi? Con nhanh nhảu bảo bác sĩ, vừa để trả ơn mình, vừa để trả ơn đời. Tất cả bao nhiêu đây thôi đủ là điều an ủi và hạnh phúc trong suốt năm tháng vượt muôn trùng khó khăn của chị và con…", chị Vy cười.

Tags:

Đọc báo

báo điện tử dantri

Tin cùng chuyên mục