16/03/2022 09:46

Chế độ dinh dưỡng quan trọng với F0 mắc bệnh hệ thống

Chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với F0 mắc bệnh hệ thống (bệnh tự miễn), người bệnh cũng không được tự ý bỏ, giảm liều hay dừng các thuốc đang điều trị trừ khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa.

Theo TS. BS CKII Lê Quốc Việt, Giám đốc chuyên môn, BS Nội tổng hợp và Cơ xương khớp Mediplus, các bệnh lý tự miễn còn được gọi là bệnh hệ thống do tính chất tổn thương đa cơ quan đích mà chúng gây ra. Hiện có hơn 80 bệnh viêm tự miễn thường gặp tại Việt Nam như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh vảy nến...

Các bệnh tự miễn được đặc trưng bởi sự tồn tại của các tự kháng thể và các phản ứng viêm kéo dài do mất khả năng dung nạp miễn dịch, hệ thống miễn dịch bị rối loạn, dẫn đến tổn thương và hoạt động cơ quan đích. Các tổn thương này có thể xuất hiện ở nhiều cơ quan, hệ thống khác nhau chẳng hạn như, hệ thống huyết học, hệ tim mạch, tiêu hóa, hô hấp, thận, thần kinh...

Sự hình thành, phát triển của các rối loạn tự miễn dịch là do sự tổng hợp của nhiều nguyên nhân, cơ chế và cho đến nay vẫn còn chưa được hiểu rõ đầy đủ. Có một số yếu tố được cho là đóng vai trò quan trọng đối với quá trình này bao gồm: yếu tố di truyền, tuổi, giới, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, chế độ dinh dưỡng, lối sống không phù hợp, môi trường và làm việc bị ô nhiễm.

Trong khi đó, Covid-19 là một bệnh truyền nhiễm do coronavirus 2 (SARS-CoV-2) liên quan đến hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) gây ra. Mặc dù hầu hết những người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng, nhưng có một tỷ lệ bệnh nhân mắc Covid-19 phát triển thành bệnh nặng với tổn thương đa cơ quan. Một số bệnh nhân đã được báo cáo phát triển các bệnh tự miễn, chẳng hạn như hội chứng Guillain-Barré hoặc lupus ban đỏ hệ thống, sau khi nhiễm Covid-19.

Do nguyên nhân trực tiếp gây các bệnh tạo keo chưa được biết nên điều trị chủ yếu nhằm vào khâu miễn dịch. Các thuốc điều trị bao gồm corticoid, thuốc chống sốt rét tổng hợp, các thuốc ức chế miễn dịch... Nguyên tắc chung khi dùng thuốc là phải cân nhắc và theo dõi chặt chẽ vì bệnh nhân bị tổn thương nhiều cơ quan nhất là thận.

Chế độ dinh dưỡng quan trọng với F0 mắc bệnh hệ thống

Theo TS. BS CKII Lê Quốc Việt, Giám đốc chuyên môn, BS Nội tổng hợp và Cơ xương khớp Mediplus.

Theo bác sĩ Việt, các nghiên cứu hiện nay vẫn chưa có sự đồng nhất về việc liệu mắc Covid-19 có dẫn tới làm tăng tình trạng nặng ở những người có bệnh tự miễn hay không, tuy nhiên, đa số nhất trí rằng việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch liều cao trong các đợt cấp, ví dụ: liều cao glucorticoid trong đợt cấp viêm khớp dạng thấp) có thể dẫn đến việc nhiễm thêm các tác nhân gây bệnh khác cũng như tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Điều này gây trở nặng thêm khi nhiễm SARS-Cov 2.

Khi mắc Covid-19, người có bệnh tự miễn cần được nghỉ ngơi, thể dục nhẹ nhàng tại nhà và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. "Chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với F0 mắc bệnh tự miễn đang phải sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch. Ngoài ra, không được tự ý bỏ, giảm liều hay dừng các thuốc đang điều trị bệnh lý nền tự miễn trừ khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa", bác sĩ Việt nhấn mạnh.

Đa số các trường hợp mắc Covid-19 đều có thể dùng thuốc long đờm, oresol, thuốc giảm ho mà không ảnh hưởng đến liệu pháp điều trị chính cho bệnh tự miễn. Việc sử dụng thuốc sẽ an toàn và dễ dàng hơn khi có sự tư vấn trực tiếp từ bác sĩ. Cần lưu ý các dấu hiệu trở nặng như: khó thở, hụt hơi khi nghỉ ngơi hoặc gắng sức, SpO2 < 96% (nếu có điều kiện theo dõi), giảm, mất ý thức ... cần được đưa ngay đến cơ sở y tế.

Cũng như những người không có bệnh nền, người có bệnh lý tự miễn mắc Covid-19, cần được nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Điều này đặc biệt cần thiết khi bệnh lý tự miễn đang tiến triển vì suy dinh dưỡng ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng của hệ miễn dịch, làm giảm khả năng bảo vệ của cơ thể khỏi nhiễm trùng.

Cụ thể, người bệnh ăn bình thường với đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng bằng đa dạng loại thực phẩm (nếu được) để duy trì thể trạng, thể chất bình thường, tránh bỏ bữa. Bổ sung thêm 1 đến 2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi... Ăn tăng cường nhóm thực phẩm giàu protein (thịt, cá nạc.., đậu đỗ, hạt các loại) để ngăn ngừa teo cơ và tăng sức đề kháng. Ăn tăng cường trái cây tươi hoặc nước ép trái cây, rau xanh các loại, gia vị (như tỏi, gừng) để tăng cường sức đề kháng. Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch có nhiều trong bưởi, kiwi, cam, đu đủ... Uống đủ nước (trung bình 2 lít mỗi ngày) hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Người bệnh cũng cần hạn chế đồ ngọt, tránh các chất kích thích như rượu, cafe...

Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, việc tiêm phòng vaccine sớm là biện pháp hữu hiệu cho những người mắc bệnh tự miễn để có thêm lá chắn bảo vệ. "Điều này có thể khác biệt đối với các bệnh tự miễn khác nhau nhưng đã được chứng minh là tương đối an toàn ngay cả khi có đợt cấp tiến triển trừ những trường hợp phản ứng quá mẫn hi hữu với vaccine. Cần lưu ý là không được tự ý giảm liều hoặc dừng thuốc đang điều trị bệnh tự miễn trừ khi có ý kiến bác sĩ chuyên khoa. Do vậy hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để có sự tư vấn phù hợp", bác sĩ Việt chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục