15/10/2024 10:33

Gỡ khó việc sáp nhập trường học quy mô nhỏ

Việc sáp nhập các trường học tại Hải Phòng mới dừng lại ở việc giảm số lượng các trường học, giảm cán bộ quản lý nhưng chưa thực sự tinh giản được biên chế và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Gỡ khó việc sáp nhập trường học quy mô nhỏ

Lễ khai giảng của Trường Tiểu học và THCS Du Lễ được tổ chức tại điểm trường chung.

Giảm đầu mối, giảm cán bộ quản lý

Từ tháng 8/2022, Trường Tiểu học Du Lễ và THCS Du Lễ (xã Du Lễ, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng) được sáp nhập thành trường Tiểu học và THCS Du Lễ theo quyết định số 3617 của UBND huyện Kiến Thuỵ (TP Hải Phòng). Ông Đoàn Mạnh Cường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi sáp nhập, những giáo viên dạy các môn: Thể dục, Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh có thể bố trí dạy được cả hai cấp học, cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cấp tiểu học.

Tương tự, từ tháng 2/2023, Trường THCS Nguyễn Văn Cừ trở thành trường liên xã của 3 xã: Trung Hà, Thủy Triều, An Lư (huyện Thủy Nguyên). Trường mới sáp nhập gồm 2 khu: Khu A ở xã Thủy Triều với tổng diện tích hơn 11.800m2; Khu B ở xã Trung Hà có tổng diện tích hơn 11.100m2.

Bà Phạm Thúy Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết: Quá trình sáp nhập, cơ sở vật chất nhà trường được nâng cấp và mở rộng. Tất cả các phòng học, phòng chức năng được sửa chữa và xây mới đảm bảo diện tích, đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất của trường chuẩn quốc gia. Khuôn viên, sân chơi bãi tập, khu vệ sinh, khu nhà xe cũng được nâng cấp, tạo nên môi trường giáo dục sạch đẹp và an toàn.

Tại huyện Thủy Nguyên, sau sắp xếp, sáp nhập các trường trên địa bàn đã giảm được 7 trường công lập (từ 111 trường xuống còn 104 trường). Sau khi sắp xếp, các trường được tổ chức lại, giảm được số tổ chuyên môn, tinh giản được cán bộ quản lý và nhân viên hành chính. Về nhân sự đã giảm được 15 cán bộ quản lý (8 cấp phó và 7 cấp trưởng) và 7 nhân viên kế toán; giảm số lượng nhân viên phụ trách hỗ trợ giáo dục.

Tại địa bàn huyện Kiến Thuỵ có 4 trường sáp nhập liên cấp và 2 trường sáp nhập liên xã, ông Nguyễn Văn Phán - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Kiến Thụy cho biết, việc sáp nhập liên cấp có nhiều điểm thuận lợi hơn do cùng địa bàn, cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh đi lại dễ dàng hơn. Năm 2023, các Trường THCS Đại Đồng và THCS Đông Phương sáp nhập liên xã, cơ bản thuận lợi khi 2 xã trên sẽ được sáp nhập theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính.

Lo ngại tình trạng “bình mới rượu cũ”

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, việc sáp nhập các trường học tại Hải Phòng cũng gặp phải những khó khăn. Theo lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thủy Nguyên, việc sắp xếp các trường học, tinh giản biên chế trường học mới mang tính cơ học. Sáp nhập các trường mới dừng ở việc giảm được số lượng các trường, giảm cán bộ quản lý và các đầu mối trong các trường học nhưng chưa thực sự tinh giản được biên chế giáo viên.

Đối với nhiều trường hợp, việc sáp nhập ghép 2 trường thành 1 trường ở các điểm trường cách xa nhau, địa giới hành chính khác nhau hoặc trường liên cấp dẫn đến phát sinh thêm các điểm lẻ. Trong khi số học sinh trong 1 lớp không thay đổi, vẫn tồn tại các lớp học nhỏ lẻ nên số lớp của trường không đổi. Biên chế giáo viên vì thế cũng không thể tinh giản được.

Việc tổ chức các hoạt động chung như khai giảng, các hoạt động ngoại khóa… gặp khó khăn khi di chuyển từ 2 điểm trường xa nhau hoặc 2 cấp học khác nhau không phù hợp về các hoạt động chuyên môn chung. Bộ máy cán bộ quản lý giảm nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là với bậc tiểu học.

Ông Phán cho rằng, sáp nhập liên cấp sẽ khó khăn khi bổ nhiệm cán bộ quản lý bởi theo quy định, người có chuyên môn ở cấp cao nhất sẽ quản lý cấp thấp. Việc sáp nhập còn gây khó khăn trong bố trí giáo viên dạy 2 cấp, do quy định số tiết của tiểu học và THCS khác nhau...

Theo bà Phạm Thúy Hoa, khi sáp nhập trường liên xã, nhiều học sinh phải đi học xa hơn. Các hoạt động giáo dục tổ chức tại nhiều điểm trường cũng sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, trường sáp nhập liên xã nhưng các xã chưa sáp nhập hành chính, vì thế việc nhà trường báo cáo chủ trương và thống nhất các hoạt động giáo dục với địa phương cũng gặp khó khăn.

Nêu giải pháp để khắc phục những khó khăn trước mắt, bà Vũ Thị Xứng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình cho hay: Từ thực tế, việc sáp nhập các trường đòi hỏi Ban giám hiệu cần linh hoạt. Các trường cần xây dựng phương án tổ chức các hoạt động chung tại điểm trường trung tâm. Mặc dù phát sinh kinh phí nhưng các thầy cô đã linh hoạt thuê xe ô tô đưa đón học sinh mỗi khi có hoạt động chung toàn trường.

Sau khi tiếp nhận ý kiến của các đơn vị giáo dục, lãnh đạo Sở GDĐT TP Hải Phòng cho rằng, việc sắp xếp, sáp nhập các trường học có quy mô số lớp nhỏ (dưới 15 lớp) và việc sáp nhập các trường cùng cấp trên một địa bàn cấp xã cần lưu ý tới quy mô trường, khoảng cách giữa các điểm trường, số học sinh trên lớp và số lớp của các trường trước và sau khi sáp nhập…

Qua đó, các đơn vị đánh giá được việc giảm các đầu mối cũng như giảm được biên chế sau khi sắp xếp, sáp nhập. Việc sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS cần đảm bảo theo Luật Giáo dục, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; bảo đảm quyền, lợi ích của giáo viên và người học…

Tags:

sáp nhập trường học

Tin cùng chuyên mục