25/05/2022 05:44

Khủng hoảng Ukraine bóp nghẹt yết hầu lương thực thế giới

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 18/5 cảnh báo chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh lương thực toàn cầu trong những tháng tới. "Xung đột có thể đẩy hàng chục triệu người tới bờ vực thiếu hụt lương thực quy mô lớn", ông nhận định, thêm rằng nhiều nước sẽ đối mặt với nạn đói trong nhiều năm nếu xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục về mức trước chiến sự.

Nga và Ukraine cung cấp khoảng 30% nhu cầu lúa mì toàn cầu. Ukraine từng được cho là "vựa bánh mì của thế giới" với 4,5 triệu tấn nông sản xuất khẩu mỗi tháng qua các cảng biển.

Tuy nhiên, xung đột đã làm tê liệt hệ thống cảng biển của Ukraine, nơi từng xuất khẩu lượng lớn dầu hướng dương cũng như các loại ngũ cốc như ngô và lúa mì, khiến giá lương thực toàn cầu leo thang khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và thêm trầm trọng sau khi Ấn Độ tuyên bố ngừng xuất khẩu lúa mì ngày 14/5, theo LHQ.

Sau khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hải quân Nga đã phong tỏa gần như toàn bộ Biển Đen và tăng cường tập kích các mục tiêu tại Odessa, thành phố cảng trọng yếu ở miền nam Ukraine, cửa ngõ xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước này.

Khủng hoảng Ukraine bóp nghẹt yết hầu lương thực thế giới

Khu vực Biển Đen và eo biển Bosphorus. Đồ họa: Washington Post.

Theo ước tính của LHQ, cuộc xung đột đang khiến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc từ vụ thu hoạch trước mắc kẹt ở Ukraine. Nếu "yết hầu" này được khơi thông, áp lực với thị trường lương thực toàn cầu có thể giảm bớt rất nhiều.

Vấn đề này gần đây đã châm ngòi đấu khẩu Nga - Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 18/5 cáo buộc Nga biến "nguồn cung cấp lương thực cho hàng triệu người" thành con tin, đồng thời kêu gọi nước này ngừng phong tỏa các cảng tại Biển Đen, một trong những huyết mạch vận chuyển ngũ cốc, dầu mỏ và sản phẩm hóa dầu của thế giới.

Đáp lại, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 19/5 nói Moskva sẵn sàng đảm bảo an ninh lương thực để tránh xảy ra khủng hoảng toàn cầu, với điều kiện phương Tây phải dỡ lệnh trừng phạt nhắm vào Nga.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cho rằng cuộc khủng hoảng lương thực là hệ quả từ làn sóng trừng phạt, đồng thời cho biết Nga đang tiếp tục cung cấp lương thực theo các thỏa thuận thương mại như một phần hỗ trợ nhân đạo.

Andrei Stavnitser, chủ sở hữu tập đoàn cảng biển, vận tải biển tư nhân TranslnvestService (TIS), cho biết các silo chứa ngũ cốc tại Ukraine hầu như đã đầy, không đủ chỗ chứa cho vụ mùa năm nay. "Nếu không được trữ vào kho, ngũ cốc trên đồng sẽ thối rữa. Dỡ phong tỏa cảng Odessa cũng quan trọng như cung cấp vũ khí cho Ukraine vậy", ông nhận định.

EU đang tìm cách tăng cường hành lang xuất khẩu nông sản cho Ukraine bằng đường bộ và đường sắt qua các cửa khẩu phía tây, song giải pháp này chỉ giúp giải quyết một phần nhỏ sản lượng ngũ cốc của Ukraine. Theo các chuyên gia của Economist, để phóng 20 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine, vận chuyển bằng đường biển là giải pháp duy nhất.

Stavnitser cho rằng cách duy nhất để phá phong tỏa cảng biển, đưa ngũ cốc Ukraine ra thế giới là tổ chức các đội tàu vận tải đặc biệt, được đoàn tàu chiến của Liên Hợp Quốc hộ tống ra vào cảng Odessa và các cảng lân cận. Đoàn tàu hộ tống này có thể do hải quân Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách.

James Stavridis, cựu tư lệnh tối cao lực lượng NATO, cũng đề xuất ý tưởng tổ chức chiến dịch bảo vệ tàu chở ngũ cốc, giống hoạt động hộ tống tàu chở dầu của hải quân Mỹ và một số đồng minh ở Vùng Vịnh giai đoạn chiến tranh Iran - Iraq thập niên 1980.

Khủng hoảng Ukraine bóp nghẹt yết hầu lương thực thế giới

Các silo tích trữ và bảo quản ngũ cốc tại một trang trại ở vùng Vinnytsia, Ukraine, tháng 7/2021. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, James Foggo, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở Địa Trung Hải, cho rằng chiến dịch hộ tống tàu dầu ở Vùng Vịnh rất khác so với tình hình hiện nay.

"Khác biệt ở chỗ Iran không phải là cường quốc hạt nhân như Nga. Nga là cường quốc khu vực, nên mọi hành động quân sự luôn tiềm ẩn nguy cơ leo thang căng thẳng", ông nhận định.

Hoạt động cử tàu chiến hộ tống tàu hàng ở Biển Đen luôn đối mặt với nhiều thách thức về quân sự, pháp lý và chính trị. Rào cản đầu tiên là mạng lưới phòng không, chống hạm và tác chiến điện tử được Nga bố trí dày đặc ở bán đảo Crimea, giúp Nga kiểm soát phần lớn Biển Đen.

Dù soái hạm Moskva mới bị chìm, năng lực của Hạm đội Biển Đen vẫn rất hùng hậu với nhiều tàu chiến, tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Kalibr.

Michael Petersen, chuyên gia tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ (USNWC), cho rằng ngay cả khi Nga kiềm chế không tấn công các đoàn tàu được hộ tống, những tàu hàng đậu tại cảng Odessa sẽ rất dễ trở thành mục tiêu. Toàn bộ vùng Odessa nằm trong tầm bắn của hệ thống tên lửa bờ Bastion-P được Nga bố trí tại Crimea, Petersen nói.

Ukraine cũng đã rải nhiều thủy lôi trên biển để ngăn Nga tấn công đổ bộ. Chính quyền Odessa đã đóng cửa các bãi biển và bố trí nhiều trạm kiểm soát ven biển, trong khi phía Nga cũng tăng cường rải thủy lôi.

Hoạt động rải thủy lôi này đã khiến khoảng 80 tàu nước ngoài mắc kẹt trong vùng biển Ukraine và cản trở bất cứ hoạt động vận chuyển lương thực nào bằng đường biển.

"Rải thủy lôi rất đơn giản, còn tháo gỡ chúng phức tạp hơn rất nhiều", một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết. "Ukraine thiếu năng lực cần thiết để rà phá thủy lôi, mở đường cho tàu ra vào cảng. Ngoài ra, khi thủy lôi được tháo gỡ để tàu chở lương thực di chuyển, chiến hạm Nga cũng có thể tiến vào tấn công cảng Odessa".

Khủng hoảng Ukraine bóp nghẹt yết hầu lương thực thế giới

Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ Bastion-P thuộc Hạm đội Biển Đen diễn tập năm 2017. Ảnh: Sputnik.

Để hộ tống tàu chở lương thực, NATO sẽ phải triển khai lượng lớn tàu chiến. Hoạt động của các chiến hạm này sẽ chịu sự ràng buộc từ Công ước Montreux năm 1936, trong đó quy định việc phương tiện di chuyển qua các eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát để tiến vào Biển Đen.

Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/4 viện dẫn Điều 19 của Công ước Montreux, cấm tàu hải quân các nước tham gia chiến sự đi qua eo biển Dardanelles và Bosphorus, nối giữa Biển Đen với các vùng biển Marmara, Aegea và Địa Trung Hải.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu các nước không triển khai tàu chiến tới Biển Đen. Ankara có thể làm vậy theo Điều 21 của Công ước, khi nhận thấy "bị đe dọa bởi nguy cơ chiến tranh hiện hữu".

Công ước Montreux 1936 giới hạn số lượng và thời gian hiện diện tại khu vực của tàu chiến các nước không tiếp giáp Biển Đen. Bởi vậy, ý tưởng trên sẽ đòi hỏi NATO thường xuyên thay đổi chiến hạm hộ tống tàu chở lương thực, nhưng nhiều nước thành viên sẽ không muốn triển khai lực lượng hải quân tham gia sứ mệnh, do lo ngại nguy cơ đụng độ trực tiếp với Nga.

Tổng thư ký LHQ Guterres từng đề xuất một thỏa thuận khác, theo đó Nga cho phép giải phóng lương thực khỏi Odessa, đổi lại quốc tế sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và Belarus trong xuất khẩu phân bón.

Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây cho rằng Nga sẽ không chấp nhận đề xuất này, do Moskva quyết tâm bóp nghẹt nền kinh tế Ukraine, khi chiến dịch quân sự không tiến triển như kỳ vọng. Các nhà ngoại giao phương Tây cho rằng tái mở cửa cảng biển Ukraine không phải là phương án khả thi trong ít nhất 6 tháng tới, trước khi cục diện chiến trường ở đông Ukraine ngã ngũ.

"LHQ sẽ tìm mọi cách gây sức ép để Nga đồng ý dỡ phong tỏa cảng Odessa nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu", Richard Gowan, chuyên gia tại tổ chức tư vấn International Crisis Group, nhận định. "Moskva có thể đồng ý trên bàn đàm phán, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra các rào cản về quy trình trên thực địa để tiếp tục chiến dịch phong tỏa Biển Đen mà phương Tây không thể tháo gỡ".

Đức Trung (Theo Economist)

Tags:

Ukraine

Nga

NATO

lương thực

Chính trị xã hội thế giới

Quân sự

Phân tích

Tin cùng chuyên mục