30/08/2021 09:35

Nữ bác sĩ nhiễm COVID-19: Lần đầu làm công việc 'đau đớn nhất' và lời hứa về việc không bao giờ làm với F0

Đã từng là F0, thấu hiểu những cảm giác của người bệnh, Ths, BS Đào Nguyễn Phương Linh đã nhận ra và tự hứa với mình 1 điều là "không bao giờ để F0 một mình".

Hiểu được nỗi cô đơn của bệnh nhân

Từ khi Covid-19 bùng phát tại TP HCM, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh, khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (đang làm việc tại bệnh viện dã chiến Covid-19 số 2) đã sớm dọn ra ở riêng. Chị biết công việc của một bác sĩ dù có cẩn thận tới đâu cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Nhà chị có bà nội đã già (đối tượng nguy cơ cao mắc Covid-19 dễ chuyển biến nặng) nên chị cũng lo sợ. "Nếu không may tôi nhiễm virus mà vẫn về nhà thì sẽ mang bệnh về lây cho mọi người trong gia đình", chị Linh nói.

Vậy mà nỗi lo của chị đã thành sự thật.

Điều không mong muốn nhất đã tới, tối ngày 30/7, chị Linh nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi nhận được tin dương tính với SARS-CoV-2, ngay trong đêm, chị Linh thu xếp đồ để vào khu điều trị của bệnh viện dã chiến.

Chị vẫn nhớ như in cảm giác cô đơn khi đi trên lối riêng vào khu cách ly, mùi thuốc sát khuẩn, khử trùng xộc lên mũi. Bước thêm một bước, chị càng hiểu thêm nỗi cô đơn của bệnh nhân khi một mình điều trị tại bệnh viện.

Rất may lần vào điều trị này có chị và một bạn nữ điều dưỡng. Chị nghĩ thầm: "Có 2 chị em ở cùng phòng thì cũng đỡ buồn và có thể chăm sóc được cho nhau".

Nữ bác sĩ nhiễm COVID

Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh ngủ thiếp đi vì mệt - ảnh BSCC.

Nhưng sau đó, người bạn điều dưỡng có kết quả âm tính sớm nên được xuất viện trước, trong phòng điều trị chỉ còn mình chị Linh.

"Khi đau ốm, con người ta bỗng trở nên yếu đuối hơn, lúc này chỉ còn mình mình tôi trong căn phòng với 4 bức tường không người thân, bạn bè bên cạnh… cảm giác cô đơn vô cùng đáng sợ", chị Linh nói.

Trong những ngày mắc bệnh, chị Linh đã thấm cảm giác lo lắng, cô đơn của F0. Cũng chính vì thế mà chị lại thấy thương bệnh nhân của mình hơn. Hơn ai hết chị hiểu được cảm giác mà người bệnh đang trải qua.

Để quên đi cảm giác cô đơn, bác sĩ Linh vẫn làm việc hỗ trợ trực tuyến cho đồng nghiệp, livestream chia sẻ với bệnh nhân để không một ai bị bỏ rơi... hoặc nhẹ nhàng khuyên nhủ người bệnh: "đi ngủ dùm đi kẻo bệnh nặng nề thêm đó"....

Nhưng tới ngày tiếp sau đó, chị bắt đầu sốt, ho nhiều hơn, người mỏi rã rời… Cứ mỗi khi chiều buông xuống, bác sĩ Linh lại bắt đầu ngứa và ho.

Trong không gian tĩnh lặng chỉ có 4 bức tường, 1 tiếng chuông điện thoại reo lên khiến chị bị giật mình. Đầu giây bên kia là bác sĩ Tài (bác sĩ trong đoàn tại Bệnh viện Dã chiến số 2), chị nhấc mình dậy nghe máy.

Những tiếng kho lụ khụ vâng lên trong máy, bác sĩ Tài hốt hoảng hỏi chị dồn dập: "Chị có sao không? Có cần thêm uống thuốc không? Thở oxy nhé để đẩy vô liền".

"Tôi biết bác sĩ Tài lo cho tôi khi nghe tôi ho, sốt và mệt nên bạn sợ tôi gặp chuyện chẳng lành. Nhưng tôi tự đánh giá được sức khỏe của tôi ra sao. Tôi từ chối tiếp nhận thuốc và oxy vì tôi nghĩ những thứ đó không cần thiết với tôi. Trong khi có nhiều bệnh nhân khác còn cần hơn tôi rất nhiều", chị Linh nói.

Không bao giờ để F0 một mình

Những ngày bị virus "hành" rồi cũng qua đi. Qua lần ốm đó, chị Linh đã nhận ra một điều là "không bao giờ để F0 một mình".

"Cho nên giờ tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình không bao giờ để F0 một mình. Khi trải qua rồi tôi mới nhận ra, các ca tử vong tại nhà thường họ chỉ có 1 mình hoặc người chăm sóc không biết cách. Tôi vẫn luôn nói với bệnh nhân của mình "khi mình ngồi im thì không ai biết để tới cứu giúp kịp thời!". Và dặn bệnh nhân khi có vấn đề gì phải tìm mọi cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, chỉ có như vậy mọi người mới biết và cứu được bạn".

Nữ bác sĩ nhiễm COVID

Bác sĩ Linh chụp ảnh với bệnh nhân trước khi được xuất viện về nhà, ảnh BSCC.Theo kinh nghiệm đối diện với kẻ thù (SARS-CoV-2) của chị Linh, hành trang chỉ đơn giản là kiến thức. Hiểu về bệnh mới trấn an được bản thân và chiến thắng được bệnh tật. Chị còn lập ra một khẩu hiệu để nhắc nhở cho bệnh nhân F0: Hiểu về bệnh - Tự trấn an – Điều trị triệu chứng - Theo dõi triệu chứng nặng – Vượt qua.

Theo bác sĩ Linh, khi tất cả mọi người hiểu về bệnh của mình sẽ phần nào giảm đi sự hoảng loạn và có cách ứng cứu kịp thời.

Đau đớn nhất của người bác sĩ là phải thông báo "tin xấu"

Mọi người vẫn gọi chị Linh là "Bác sĩ em bé". Công tác thường ngày của chị là điều trị cho bệnh nhi, đặc biệt là các bé trong giai đoạn sơ sinh. Các bé chỉ nhỏ xíu một vài lạng thôi nhưng các y bác sĩ vẫn có thể nuôi được. Các bé sơ sinh dù tiên lượng nặng tới đâu nhưng đều hồi phục một cách kỳ diệu.

Nhưng khi bước vào cuộc chiến Covid-19, chị trở thành người trực tiếp phải thông báo những "tin xấu" cho bệnh nhân - điều mà bác sĩ Linh chưa từng phải làm trước đây.

Giờ đây, chị phải nhìn thấy cảnh bệnh nhân đau khổ vì mất mát khi biết người thân qua đời.

Bác sĩ Linh vẫn còn nhớ hình ảnh bé trai 15 tuổi là F0 trong khu điều trị khóc lóc chạy xuống phòng hành chính để tìm nhân viên y tế. Hóa ra, em mới nghe tin bà mất và muốn xác minh lại, trong lúc hoảng loạn đã chạy đi tìm nhân viên y tế giúp đỡ. Việc xác nhận thông tin người thân mất không phải là công việc của bác sĩ Linh, nhưng chị nghĩ: "Những mất mát này cần phải cho bệnh nhân lời giải".

Nữ bác sĩ nhiễm COVID

Bác sĩ Linh chuyển những hộp kẹo C con vịt cho bệnh nhi - ảnh BSCC.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã báo tin bà mất cho người quen của đứa trẻ. Chị lần theo thông tin đó gọi điện, và cuối cùng chị cũng xác nhận được tin bà cháu đã mất.

"Với tư cách là một bác sĩ nhi, trong tất cả các năm công tác tôi chưa bao giờ tôi phải báo "tin xấu" với gia đình. Tôi thích chăm sóc cho các em bé sơ sinh vì em bé có sự hồi phục rất ngoạn mục. Dù em bé đó tiên lượng có xấu cỡ nào thì đều hồi phục rất thần kỳ. Thông báo "tin xấu" là điều tôi chưa bao giờ phải làm nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi đã phải làm việc đó", bác sĩ Linh tâm sự.

Để thông báo một tin người thân đã mất cho một đứa trẻ không hề dễ dàng. Chị đã trò chuyện với bé rất lâu và biết được 3 anh em bé không ở cùng bố mẹ, ông bà nội là người thân chăm sóc cho bé từ nhỏ. "Tôi có nói với con sẽ cố gắng làm tất cả để con có thể về sớm, nhận hài cốt của bà", giọng bác sĩ Linh như lạc đi.

Trong "cuộc chiến" này, chúng ta đã làm những điều phi thường

Đối mặt với số lượng bệnh nhân tăng lên từng ngày không làm bác sĩ Linh sợ kẻ thù (virus SARS-CoV-2). Nhưng khi chứng kiến hình ảnh bệnh nhân gào khóc, la hét do người thân qua đời, "Tôi cảm thấy quá sức với mình", bác sĩ Linh nói.

Bác sĩ Linh kể: "Một đứa trẻ 13 tuổi đau khổ, la hét do không thể tiễn đưa người nhà mất. Bé quỳ lạy trước chiếc điện thoại khi chứng kiến hình ảnh đưa tang bà ngoại qua điện thoại. Khi phải nhìn cảnh tượng như vậy đối với tôi cảm thấy quá sức với mình. Chưa bao giờ tôi phải đối mặt với sự tang thương lớn tới như vậy. Tôi đã không cầm được nước mắt".

Nữ bác sĩ nhiễm COVID

Bác sĩ Linh chụp ảnh cũng các đồng nghiệp tại Bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Linh chia sẻ, cuộc chiến chưa kết thúc, sự mất mát sẽ còn kinh khủng hơn nữa và sẽ có những câu chuyện buồn, có những câu chuyện bi thương. Nhưng đằng sau câu chuyện bi thương đó bác sĩ Linh vẫn thấy được tình người rất lớn.

"Có một chuyện tôi nhận ra: dịch bệnh đã khiến cho con người làm được mọi thứ đã vượt trên mức bình thường.Một đứa trẻ học lớp 10 có thể theo dõi triệu chứng nặng của mẹ, sát sao và chuyên nghiệp như một nhân viên y tế.Một bác sĩ hoàn toàn có thể làm được việc không phải của bác sĩ như: bưng cơm, đổ rác, trấn an bệnh nhân như những cô tổng đài viên… Tất cả mọi người đều làm được những việc mà ngày trước mình chưa từng làm. Trong cuộc chiến này từ người dân, các em nhỏ, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, dân quân, tài xế… đều làm được những điều phi thường", chị Linh chia sẻ. Xem thêm

Tin cùng chuyên mục