Tách bạch chuyên môn với quản lý, cách đi ngược với tư duy truyền thống
Cho đến nay, năng lực và thành tích chuyên môn vẫn là cơ sở hàng đầu để đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, và đề bạt cán bộ cho các vị trí lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan Nhà nước…
Mới đây, bản án 3 năm tù đã chính thức khép lại vụ việc liên quan đến bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc bệnh viện tim Hà Nội. Dư luận nhìn chung đánh giá mức án này thấp hơn so với khung hình phạt, nhưng vẫn gợi ra sự nuối tiếc: nếu bác sỹ Tuấn chỉ thuần túy làm chuyên môn thì có thể không rơi vào tình huống hiện tại.
Dễ thấy là lối tư duy tách bạch giữa chuyên môn với lãnh đạo, quản lý là một quan điểm hiện đại, trái ngược với truyền thống tư duy ở nước ta từ xa xưa. Học giỏi, thi đỗ thì được bổ nhiệm làm quan; chức quan trong hệ thống chính quyền tỷ lệ thuận với kết quả thi; chức quan cao hơn đồng nghĩa với người giỏi hơn đã trở thành mô thức phổ biến và sâu đậm trong tâm thức người Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Ông Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: VOV
Lãnh đạo, quản lý là một nghề
Cho đến nay, năng lực và thành tích chuyên môn vẫn là cơ sở hàng đầu để xem xét, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, và đề bạt cán bộ cho các vị trí lãnh đạo, quản lý tại cơ quan Nhà nước ở nước ta. Vì thế, cán bộ lãnh đạo quản lý cũng thường được hiểu là những người giỏi chuyên môn, thậm chí giỏi nhất đơn vị.
Gắn vai trò lãnh đạo, quản lý với sự nổi trội về chuyên môn là một quan điểm hợp lý với những đơn vị ở cấp thực thi chính sách. Đó có thể là các vụ, cục ở cấp trung ương, sở, ban, ngành ở cấp tỉnh hoặc các khoa, viện tại đơn vị sự nghiệp công lập. Khi đó, sự vượt trội về chuyên môn là yếu tố cần thiết không chỉ giúp bảo đảm uy tín của cá nhân người đứng đầu mà họ còn có thể trực tiếp xử lý mọi vấn đề chuyên môn khi cấp dưới không thực hiện được.
Tuy nhiên, khi quy mô đơn vị chuyên môn như trường đại học, bệnh viện càng mở rộng hay cấp độ càng lên cao trong hệ thống chính quyền thì yếu tố chuyên môn càng giảm tầm quan trọng. Bởi lẽ, thứ nhất, mỗi cá nhân chỉ giỏi trong một lĩnh vực chuyên môn hẹp thì chưa đủ để bảo đảm uy tín với những người giỏi chuyên môn khác trong cùng ngành. Thứ hai, do quy mô và cấp độ lãnh đạo, quản lý đã gia tăng, yêu cầu công việc phức tạp hơn cho nên đòi hỏi nhiều hơn những kiến thức, kỹ năng ngoài phạm vi chuyên môn sẵn có của cá nhân.
Như vậy, đề cao năng lực chuyên môn hay lãnh đạo, quản lý phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, vai trò mà vị trí công việc yêu cầu. Nếu đó là một vị trí thường xuyên phải xử lý các vấn đề chuyên môn thì tất yếu cần người giỏi chuyên môn. Nhưng nếu đó là một vị trí khiến cá nhân thường xuyên phải giải quyết các vấn đề quản trị liên quan đến tổ chức, nhân sự, tài chính, thông tin, chiến lược, chính sách… thì sự nổi trội về chuyên môn không còn là cơ sở vững chắc cho sự thành công trong lãnh đạo, quản lý.
Tại các nước phát triển, lãnh đạo, quản lý được coi là một nghề trong danh mục nghề nghiệp mà cá nhân theo đuổi. Vì thế, có thể dễ dàng thấy có những người suốt đời chỉ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý tại các trường học, bệnh viện, hay doanh nghiệp. Họ có thể thay đổi nơi làm việc nhưng không thay đổi tính chất công việc. Họ trở thành đội ngũ nhân sự lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp ở nhiều cấp độ khác nhau. Điều tương tự cũng diễn ra với lực lượng lao động suốt đời chỉ làm việc chuyên môn.
Do đặc thù hệ thống quản trị, nên khu vực công ở nước ta chưa hình thành một đội ngũ nhân sự lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp có thể tự do thay đổi nơi làm việc theo nhu cầu cá nhân và các quy luật thị trường. Cán bộ có thể được biệt phái, luân chuyển nhưng mọi sự biến động công việc của họ đều được quản lý chặt chẽ theo kế hoạch định trước.
Phân công lao động chuyên nghiệp
Thực tế tại các nước phát triển cho thấy, khi xã hội càng phát triển thì sự phân công lao động sẽ càng rõ rệt hơn, chuyên nghiệp hơn. Sự tách bạch giữa lãnh đạo, quản lý với chuyên môn sẽ trở thành xu thế tất yếu để bảo đảm những yêu cầu công việc ngày càng khắt khe trong xã hội hiện đại.
Sự nuối tiếc với trường hợp bác sĩ Tuấn gợi ra vấn đề: Làm thế nào để không tái diễn tình huống mà những nhà chuyên môn giỏi lại vướng vòng lao lý bởi các lỗi ngoài chuyên môn? Trả lời câu hỏi này trước hết cần minh định quan điểm: Nếu lãnh đạo, quản lý là một sự nghiệp đáng mơ ước thì chuyên môn cũng có thể là sự nghiệp bảo đảm lợi ích cho cá nhân và được xã hội trân trọng.
Cùng với đó là hệ thống chính sách liên quan đến điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, sự ghi nhận để các nhà chuyên môn giỏi sẽ gắn bó với đam mê, theo đuổi sự nghiệp chuyên môn thay vì lựa chọn phổ biến hiện nay là phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo, quản lý đi kèm là lợi ích, quyền lực, và vị thế xã hội.
Bình luận
Tags:cán bộ
cán bộ quản lý
bổ nhiệm cán bộ
quy hoạch cán bộ
công quyền
Tin cùng chuyên mục