28/06/2022 05:50

'Thắt lưng buộc bụng' thời bão giá

Ở nhà nội trợ suốt 4 năm nay nên Trang biết miếng thịt, bó rau không thể tươi ngon như chợ sớm. "Nhưng dạo này giá cả cái gì cũng tăng, mua được rẻ là mừng rồi", chị nói.

Vợ chồng Trang có con trai đầu được hơn một năm, tiếp tục có thêm một cặp sinh đôi ngay sau đó. Một mình anh Tình (chồng chị) gồng gánh nuôi gia đình 5 người ở thủ đô. Năm ngoái, Covid-19 bùng phát, anh cũng phải ở nhà ba tháng liền. "Đến vàng cưới cũng phải bán để ăn với nuôi con", Trang kể.

Sang năm nay, Covid tạm lắng, chồng Trang khôi phục lại việc kinh doanh đại lý các loại nước giải khát. Thời tiết càng nắng nóng càng đông khách nhưng lãi của cửa hàng không nhích lên vì giá xăng từ 21/4 đến nay tăng bảy lần. Khách nhập hàng của anh Tình hầu hết chỉ lấy số lượng ít, không chịu mua với mức giá quá cao. Có những hàng tạp hóa chỉ gọi vài thùng nước, nhưng anh Tình phải chở bằng xe tải cả chục kilomet đến giao. "Không giữ giá, chiều khách, người ta bỏ đi còn mệt hơn", anh chồng phân trần khi vợ thắc mắc không nâng giá theo thị trường.

Tiền chồng mang về ít, trong khi Trang nhẩm tính sữa, dầu ăn, nước mắm, trứng... thứ gì cũng tăng 10-20%. Chị buộc phải cắt giảm chi tiêu. Giờ Trang là một trong những thành viên chăm bình luận nhất trong nhóm tặng đồ miễn phí. Quần áo, giày dép, trẻ con, người lớn, cứ cái gì phù hợp với gia đình chị đều xin về.

Ngoài đi chợ mua rau, thịt ế, chị nhờ người nhà ở Hà Nam tiếp tế thêm trứng, thêm gạo,... Cứ ai ở quê ra phố, mẹ đẻ chị lại nhờ gửi thực phẩm để đỡ tốn thêm tiền cước. "Gửi một thùng đồ từ quê ra, trước chỉ hai, ba chục nghìn tiền cước, nay rẻ cũng 50 nghìn đồng. Nhờ người quen, tiết kiệm được gần hai lốc sữa cho con", chị nói.

'Thắt lưng buộc bụng' thời bão giá

Thu Trang tích trữ thực phẩm từ quê gửi lên, bên cạnh các loại thực phẩm mua từ chợ muộn. Ảnh nhân vật cung cấp

Bão giá đang âm thầm tấn công vào các gia đình. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 2,25%, tức gần gấp đôi mức 1,29% của năm 2021.

Giá cả tăng nhanh cùng với phát sinh nhiều chi phí cho y tế, chăm sóc sức khỏe đã tác động đến đời sống của đại bộ phận người lao động. Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, khảo sát năm 2021 cho thấy 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn, 48% người phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% lao động phải chuyển từ mua sắm hàng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn việc ăn gộp bữa, giảm bữa.

Tiến sĩ Phạm Khánh Nam, trưởng khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM nhận định, tình trạng giá cả tăng nhanh và liên tục ngay sau Covid trở thành tác động kép khiến người dân khởi động lại nhịp sống một cách khó khăn. Nhiều người thu nhập ổn định sau Covid nhưng vì lạm phát cũng không khác nào bị giảm thu nhập.

"Tiết kiệm, thay đổi cấu trúc tiêu dùng là cách tốt nhất thời điểm hiện tại", ông Nam nói.

"Cấu trúc tiêu dùng" của Hoàng Ngọc Hà (30 tuổi, ở Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) thay theo giá cả. Ở một mình, thu nhập hơn 15 triệu đồng mỗi tháng, Ngọc Hà khẳng định giá các mặt hàng tăng chưa làm chao đảo cuộc sống của cô. Tuy nhiên, muốn không vỡ kế hoạch tiết kiệm, Ngọc Hà buộc phải thắt chặt bốn hạng mục chi tiêu chính gồm thực phẩm, làm đẹp, giải trí, học tập.

Một tháng nay, cô đi bộ đến công ty cách nhà 2 km. Đi bộ là một hình thức thể dục, nên cô cắt được thêm khoản phí phòng tập hàng tháng. "Trước thì ngại bụi, ngại nắng, giờ thì ngại giá xăng tăng", cô nói.

Thay vì đi chợ truyền thống, Ngọc Hà chuyển sang đi chợ online. Công ty cô hiện đang liên kết với một số sàn thương mại điện tử, có nhiều chương trình giảm giá cho nhân viên khi mua thực phẩm, tặng tiền khi tải ứng dụng...

"Tuy tốn chút thời gian cài đặt nhưng một ngày cũng có thể tiết kiệm được vài chục nghìn", cô nói. Hà nấu cơm mang đi làm, thôi xem phim, ít tụ tập bạn bè và chăm chỉ săn váy, áo và mỹ phẩm giảm giá thay các mặt hàng có thương hiệu. "Giờ cái gì cần thật sự cần mới dám chi", cô chia sẻ.

'Thắt lưng buộc bụng' thời bão giá

Người dân mua thực phẩm vào cuối ngày tại siêu thị ở Hà Nội, hôm 22/6. Ảnh: Phạm Nga

Thuộc nhóm không bị ảnh hưởng của Covid-19, gia đình chị Thu Hiền (37 tuổi, ở Nam Từ Liêm) vẫn bất ngờ khi giá cả tăng vọt. Thay vì thắt chặt chi tiêu để đảm bảo khoản tiết kiệm, gia đình chị Hiền chấp nhận tiết kiệm ít đi, để chất lượng cuộc sống không thay đổi quá nhiều.

Vợ chồng chị vừa xếp lịch nghỉ mát như thời trước Covid. Khi đặt dịch vụ, Hiền tá hỏa khi giá vé máy bay, giá dịch vụ ăn uống, khách sạn đều tăng gấp đôi. "Chỉ riêng giá vé khứ hồi cho người lớn, trẻ con đã 16 triệu, bằng cả một tháng lương", chị than thở.

Trước tình trạng giá xăng liên tục đạt mốc cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tăng giá tour lên 5-10%. Giá vé máy bay khứ hồi rẻ nhất trên các chặng bay nội địa trong cao điểm hè 2022 đã lên mức 2,5-4 triệu đồng, cao hơn khoảng 500.000 đồng so với những cao điểm hè trước đó. Đầu tháng 6, Cục Hàng không đề xuất tăng mức trần giá vé lên 4 triệu đồng mỗi chiều.

Không muốn bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm mùa hè của các con, chị quyết định mổ hai con lợn tiết kiệm. Hơn 25 triệu đồng, cộng với khoản dự trù đi du lịch đủ cho gia đình có bốn ngày nghỉ ngơi thoải mái.

Để đối phó với lạm phát, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu linh hoạt, có các kịch bản đảm bảo nguồn cung và dự phòng phương án nhập khẩu khi cần thiết... Bộ Tài chính cũng dự kiến đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nhằm góp phần kiềm chế lạm phát tới đây.

Theo tiến sĩ Phạm Khánh Nam, kiềm chế lạm phát không đơn giản. Nếu giảm thuế, đồng nghĩa thu ngân sách Nhà nước giảm, kinh phí đầu tư công sẽ ít đi, cơ hội việc làm giảm, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Mặc dù phải vất vả xoay trở, nhưng chị Thu Trang lẫn Ngọc Hà đều thấy "dễ thở" hơn rất nhiều so với những ngày Covid hoành hành. Không còn bất lực lên mạng xã hội xin từng hộp sữa cho con, nay Thu Trang có thể nhập ít hoa quả về bán online, chạy ra chợ nâng lên, đặt xuống một món hàng.

"Còn được ra đường mưu sinh, còn được xoay chỗ nọ, đặt chỗ kia là còn cơ hội. Cảnh tay chân muốn làm mà phải ngồi nhà vì dịch bệnh mới là đáng sợ", chị nói.

Phạm Nga

Tags:

giá xăng tăng

giá tăng

bão giá

giá cả tăng

giá cả tăng cao

lạm phát

chỉ số giá tiêu dùng

CPI

Tin nóng

Hà Nội

Phong cách sống

Tình huống

Tin cùng chuyên mục