Thiên thạch đâm trúng kính viễn vọng James Webb
Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA trải qua hai vụ va chạm liên tiếp với những mẩu thiên thạch nhỏ trong lúc chuẩn bị quan sát khoa học.
Kính viễn vọng không gian James Webb. Ảnh: NASA
NASA hôm 8/6 thông báo, kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) trải qua một số vụ va chạm đầu tiên với mảnh đá rất nhỏ vỡ ra từ những thiên thạch lớn (micrometeoroid). Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng tới lịch trình hoặc hoạt động của đài quan sát.
"Do gương của James Webb lộ ra trong không gian, chúng tôi dự đoán va chạm với vi thiên thạch sẽ làm giảm hiệu suất của kính viễn vọng theo thời gian", Lee Feinberg, quản lý bộ phận kính viễn vọng quang học Webb ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của NASA tại Maryland, cho biết. "Từ khi phóng, chúng tôi đã gặp 4 vụ va chạm vi thiên thạch nhỏ hơn,".
Vụ va chạm nghiêm trọng nhất xảy ra hôm 23/5 và 25/5, ảnh hưởng tới khu vực C3 của gương sơ cấp hình lục giác mạ vàng gồm 18 mảnh. Tất cả tàu vũ trụ đều trải qua và được thiết kế để chịu va chạm với vi thiên thạch, JWST cũng không phải ngoại lệ. Các kỹ sư của đài quan sát thậm chí tạo ra những vụ va chạm thực sự với mẫu vật gương để tìm hiểu sự kiện ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động khoa học của nhiệm vụ. Tuy nhiên, va chạm gần đây lớn hơn mô hình dự đoán hoặc thử nghiệm trên mặt đất. Dù va chạm xảy ra khá sớm trong thời gian vận hành JWST, NASA tin chắc kính viễn vọng 10 tỷ USD vẫn sẽ vận hành tốt.
Một số va chạm với vi thiên thạch có thể dự đoán trước. Ví dụ, khi kính viễn vọng chuẩn bị bay qua mưa sao băng, nhóm kỹ sư có thể điều khiển hệ thống quang học của JWST để đảm bảo an toàn cho cỗ máy. Tuy nhiên, vụ va chạm gần đây không có nguồn gốc từ mưa sao băng. Sau đó, các kỹ sư có thể điều chỉnh 18 mảnh gương sơ cấp trên đài quan sát để đảm bảo toàn bộ gương được điều chỉnh tốt.
Trong khi đội phụ trách JWST tiếp tục đánh giá vụ va chạm, NASA tập trung vào tìm hiểu cả sự kiện và môi trường kính viễn vọng sẽ trải qua trong suốt nhiệm vụ. Kính viễn vọng quay quanh điểm Lagrange 2 giữa Trái Đất và Mặt Trời, cách hành tinh của chúng ta gần 1,5 triệu km. "Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu bay để cập nhật phân tích về hiệu suất theo thời gian và phát triển phương vận hành để đảm bảo tối đa hóa hiệu suất chụp ảnh của James Webb trong nhiều năm hết mức có thể", Feinberg chia sẻ.
JWST phóng vào ngày 25/12/2021. Cỗ máy đã trải qua nhiều tháng bay tới vị trí trong không gian sâu và chuẩn bị tiến hành quan sát khoa học. Gần đây, NASA thông báo cơ quan này sẽ công bố những bức ảnh khoa học đầu tiên từ kính viễn vọng hôm 12/7.
An Khang (Theo Space)
Tags:vi thiên thạch
kính viễn vọng James Webb
NA
Công nghệ
Vũ trụ
Tin
Tin cùng chuyên mục