Tương lai con mù mịt như đôi mắt của mẹ
GĐXH - Trung Nguyên là đôi mắt, là động lực sống của người mẹ tội nghiệp. Những khó khăn trong cuộc sống càng khiến cậu bé nỗ lực hơn trong học tập. Ước mơ của cậu cần những sự sẻ chia để không mịt mù như đôi mắt người mẹ.
Cái khổ "gia truyền"
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo đông con, không có sự đủ đầy vật chất, ông trời cũng hẹp hòi mà lấy đi sự lành lặn của đôi mắt chị Nguyễn Thị Dương (SN 1979) ở thôn Lộc Hạ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ước muốn "xa xỉ" từ khi chị hiểu chuyện là được thấy ánh sáng một sớm bình minh nơi con sông quê và khuôn mặt của những người yêu thương mình.
Chị Dương từ khi sinh ra đã không nhìn thấy ánh sáng.
Tuổi thơ cơ cực "rau cháo qua ngày" tưởng êm đềm trôi đi. Nào ngờ năm chị 14 tuổi, bạo bệnh cướp đi người mẹ yêu thương để lại người bố thương binh cật lực nuôi các con thơ rau cháo qua ngày. Rồi anh, chị, em của chị Dương cũng đi tứ xứ mưu sinh, xây dựng gia đình, cuộc sống chẳng ai khấm khá.
Những ngày cô đơn cùng bóng tối tưởng chừng sẽ ấm áp hơn khi qua giới thiệu, chị quen một người đàn ông cũng khuyết tật đôi mắt. Sự ra đời của cậu con trai Lê Nguyễn Trung Nguyên (SN 2009) mang đến niềm vui vô bờ trong chị. Nhưng rồi người chồng của chị lại rời bỏ mẹ con chị về với gia đình để người thân chăm sóc.
Thương con, thương cháu, người bố già yếu động viên, chăm sóc mẹ con chị Dương. Số phận vẫn chưa hết khắc nghiệt với người phụ nữ tội nghiệp. Khi đứa cháu bắt đầu đến trường học con chữ, ông ngoại lại bỏ lại mẹ con Nguyên trên trần thế vì căn bệnh suy thận.
Chị Dương và con trai Lê Nguyễn Trung Nguyên.
Hụt hẫng giữa dòng đời, mẹ con chị Dương chẳng biết bấu víu vào đâu vì những người thân khác ở xa, gánh nặng mưu sinh còn đè lên vai họ. Chị đành dắt díu con trai đi bán hàng dạo. Trung Nguyên làm đôi mắt của mẹ, người mẹ là chỗ dựa, động lực sống, học tập của em.
"Lúc bố mẹ còn sống, dù khổ cũng có người chăm sóc, chở che. Khi bố mất đi, tôi chẳng biết làm gì để cùng con sống tiếp. Tiền hỗ trợ người tàn tật không quá nhiều trong khi tôi lại thường xuyên bệnh tật. Để có tiền, tôi cùng con đi bán hàng dạo ở khắp nơi. Thương con từ nhỏ đã không đủ đầy vật chất và tình thương, nay lại cùng tôi vất vả", chị Dương tâm sự.
Ngày nắng hay mưa, cứ được nghỉ học, cậu bé còi cọc lại lầm lũi dẫn mẹ đi khắp nơi bán hàng. Lớn lên trong khó nhọc, thiếu thốn, Trung Nguyên cũng đôi lần tủi phận, những dòng lệ chảy dài nhưng tiếng nấc giấu đi vì sợ mẹ nghe thấy. Thương phận mình nhưng em thương mẹ nhiều hơn.
Những lúc nghỉ học, Trung Nguyên lại dắt mẹ đi bán hàng dạo.
"Buổi nào được nghỉ học, cuối tuần hay nghỉ hè là con lại dắt mẹ để đi bán tăm, bán kẹo. Nghỉ ít thì đi gần. Có đợt nghỉ hè, con với mẹ đi vào Huế, Đà Nẵng để bán luôn. Mọi người mua ủng hộ rồi còn cho tiền nên con có tiền nộp học phí. Lúc bé, con chưa biết nhưng giờ cũng sợ bạn gặp cảnh mình dắt mẹ đi bán hàng rồi chê cười. Nhưng con vẫn phải cố gắng thôi vì gia đình con nghèo khổ vậy mà", Trung Nguyên nói với đôi mắt đã đỏ hoe chờ chực khóc.
Ngày nắng còn có khách, ngày mưa mẹ con Trung Nguyên vẫn đi dù chỉ để "cầu may". Bởi nếu không có nguồn thu nhập từ bán tăm, kẹo thì những ngày sau đó có thể em phải đến trường với cái bụng đói. Xóm giềng thương mẹ con Nguyên cũng cho vay đôi lon gạo nhưng chưa bao giờ hỏi trả.
Thương phận mình khổ, Trung Nguyên càng thương mẹ nhiều hơn.
Những ngày miền Trung mưa lũ, nhà nhà tất bật dọn đồ đạc để "chạy lũ", mẹ con Nguyên chẳng phải lo bởi họ chẳng có đồ đạc gì mà dọn. Nước lên, mẹ con em lại dắt díu nhau đến xin trú tạm nhà hàng xóm có tầng cao. Bao mùa lũ qua, mẹ con em đã sống trong sự bao bọc của những người dân quê.
"Con nghe mẹ nói học giỏi mới có cơ hội hết khổ"
Hiện mẹ con Trung Nguyên "sống đậu" trong căn nhà thờ của ông ngoại để lại cùng người cậu năm nay đã 55 tuổi nhưng chưa có vợ con và chưa có công việc ổn định. Cuộc sống bấp bênh nên người cậu cũng chẳng hỗ trợ được gì nhiều cho mẹ con Nguyên.
Sống trong cơ cực nhưng Trung Nguyên chưa bao giờ ngưng phấn đấu trong học tập.
Sống trong cơ cực nhưng Trung Nguyên chưa bao giờ ngưng phấn đấu trong học tập. Từ lớp 1 đến lớp 7 em đều đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Năm học vừa qua, Nguyên chỉ đạt học sinh Tiên tiến. Góc học tập của Nguyên là chiếc bàn nhựa với chồng sách dày. Ngày nắng, em tận dụng ánh sáng từ cửa sổ. Đêm tối, em phải chuyển bàn đến giữa nhà để có ánh sáng vì em chẳng có nổi 1 cái đèn bàn.
Những ngày nghỉ cùng mẹ đi vào các tỉnh miền trong để bán hàng rong, hành trang của Nguyên ngoài mấy bộ quần áo sờn cũ là những cuốn sách để ôn luyện kiến thức.
"Con đưa sách vở theo để tận dụng lúc nghỉ mệt, có đèn đường đưa ra đọc hay lúc về trọ cũng không lãng phí thời gian. Đi nhiều có mệt nhưng con vẫn muốn học nhiều bởi mẹ từng nói chỉ có học thật giỏi mới có cơ hội thoát cái khổ", Trung Nguyên chia sẻ.
Ước mơ của Trung Nguyên là trở thành một người lính hải quân. Qua những trang sách, báo và tivi, em yêu những người đang hằng ngày giữ biển đảo quê hương. Có lẽ cũng vì cuộc sống cơ cực nên Nguyên nghĩ học để làm lính, mẹ sẽ không phải lo cho em học phí.
Con đường tới ước mơ của Trung Nguyên cần sự sẻ chia, hỗ trợ của cộng đồng.
Nhưng hiện thực và ước mơ của Nguyên còn quá xa, những khó khăn trước mắt đang cản bước em. Nguyên chỉ biết yêu thương mẹ và nỗ lực nhiều hơn trong học tập. Nỗi lo cơm gạo từng ngày, những khoản phí trong học tập và bệnh tật của người mẹ đôi lúc che lấp đi ước mơ của cậu bé.
Ông Lê Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã An Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết hoàn cảnh khó khăn của mẹ con chị Dương cũng được địa phương và các cá nhân, tổ chức quan tâm.
"Chính quyền cùng các tổ chức cũng luôn quan tâm, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, trong đó có hoàn cảnh của chị Dương. Là người khuyết tật và có con đang đi học, chị thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương. Chúng tôi mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ hoàn cảnh của chị cũng như những hộ khó khăn khác", Chủ tịch UBND xã An Thủy chia sẻ.
Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Dương - Mã số 883 xin gửi về:
1. Chị Nguyễn Thị Dương ở thôn Lộc Hạ, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.suckhoedoisong.vn. Đề gửi: Mã số 8833. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống. Địa chỉ 138A Giảng Võ, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Đề gửi: Mã số 883
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0986557518
4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 113.000.000.282.
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) CN Ba Đình – Hà Nội: Tên tài khoản - Báo Sức khỏe và Đời sống. Số tài khoản: 061.100.191.1287.
Đề gửi Mã Số 883
Tin cùng chuyên mục