Việt Nam quan trọng ra sao trong chuỗi cung ứng của Apple?
iPhone hiện là một trong những dòng điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới. Mỗi năm, Apple xuất xưởng gần 250 triệu chiếc iPhone và chiếm gần 20% thị phần trong ngành công nghiệp này.
Nguồn gốc linh kiện của iPhone
Trên vỏ hộp của iPhone, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy dòng chữ "Made in China". Tuy nhiên, không phải mọi linh kiện tạo nên sản phẩm này đều có chung một nguồn gốc.
iPhone được tạo thành từ hàng trăm linh kiện đến từ nhiều quốc gia khác nhau (Ảnh: Android Authority).
Màn hình của iPhone được sản xuất bởi Samsung hoặc LG ở Hàn Quốc. Bộ nhớ flash và DRAM đến từ các nhà máy của Kioxia ở Nhật Bản. Kính cường lực Gorilla Glass bảo vệ màn hình có thể đến từ nhà máy Corning ở Mỹ, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Trong khi đó, con chip Apple A-series được thiết kế ở California và do công ty TSMC ở Đài Loan sản xuất.
Có thể thấy, những chiếc iPhone được tạo thành từ hàng trăm linh kiện đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Apple cũng dựa vào các bên thứ ba để cung cấp những thành phần nhỏ hơn như IC quản lý nguồn, bộ điều khiển USB, chip không dây và trình điều khiển màn hình OLED. Chúng có thể đến từ các công ty lớn như Broadcom và Texas Instruments cũng như các nhà sản xuất nhỏ hơn ở Đông Nam Á.
Việc lựa chọn nhà cung cấp có ý nghĩa rất quan trọng. Apple làm điều này không chỉ vì lý do kiểm soát chất lượng. Trong nhiều năm, Apple cùng với những gã khổng lồ khác của Thung lũng Silicon, đã bị cáo buộc dựa vào lao động trẻ em và các hoạt động khai thác phi đạo đức để cắt giảm chi phí. Những cáo buộc như vậy có thể dẫn đến các vụ kiện tốn kém và gây ra dư luận tiêu cực cho công ty.
iPhone được sản xuất và lắp ráp ở đâu?
Hầu hết nhà máy sản xuất iPhone hiện vẫn được đặt ở Trung Quốc. Đối tác lớn nhất của Apple trong hoạt động này là Foxconn. Thậm chí, một nhà máy đặt tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc còn được gọi với cái tên là "thành phố iPhone", khi nơi đây sử dụng hơn 300.000 công nhân vào việc này.
Hầu hết iPhone vẫn được sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc (Ảnh: Android Authority).
Theo các báo cáo, Foxconn có thể lắp ráp hơn nửa triệu chiếc iPhone chỉ trong một ngày tại đây. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi khi Apple đang chuyển dịch một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ.
Apple đang nỗ lực đa dạng hóa hoạt động sản xuất iPhone bên ngoài Trung Quốc, trong đó Ấn Độ và Việt Nam nổi lên là những lựa chọn hàng đầu.
Trên thực tế, Apple không phải là công ty duy nhất làm điều này. Samsung và Xiaomi cũng đã thực hiện những điều tương tự. Đây đã trở thành một chiến lược kinh doanh phổ biến khi các công ty tìm cách tối ưu chi phí hoạt động và giảm sự phụ thuộc vào một khu vực duy nhất.
Tại sao Apple lắp ráp sản phẩm ở Việt Nam?
Theo PhoneArena, Việt Nam có vị trí chiến lược đối với hoạt động vận chuyển toàn cầu. Vị trí địa lý của Việt Nam gần với các trụ sở trong chuỗi cung ứng hiện có của Apple như Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác.
Trong những năm gần đây, Apple đã liên tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Apple bắt đầu lắp ráp AirPods tại Việt Nam vào tháng 3/2020. Sau đó, hàng loạt sản phẩm khác như AirPods Pro, iPad, MacBook và Apple Watch cũng được sản xuất tại Việt Nam.
Gã khổng lồ Cupertino đạt được những mục tiêu này thông qua các đối tác sản xuất như Foxconn, Pegatron và Wistron. Theo các báo, Apple đã bắt đầu lắp ráp sản phẩm tại 11 nhà máy do các công ty sản xuất khác nhau ở Việt Nam điều hành từ đầu năm 2022.
Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất quan trọng của Apple (Ảnh: 9to5mac).
Dù vậy, phần lớn cơ sở sản xuất của công ty vẫn ở Trung Quốc. Một số linh kiện điện tử quan trọng có nguồn gốc từ khu vực này. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn có rất nhiều cơ sở hạ tầng sản xuất đã có sẵn. Tuy nhiên, trang PhoneArena nhận định rằng sự thống trị của quốc gia này có thể sẽ giảm dần theo thời gian.
"Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lý tưởng đối với các sản phẩm như Apple Watch, Mac, iPad và AirPods. Đối với iPhone, Ấn Độ là địa điểm được lựa chọn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc", một nhà phân tích của JPMorgan cho biết.
Vị chuyên gia này ước tính rằng Apple sẽ chuyển khoảng 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ và 65% sản lượng AirPods sang Việt Nam vào năm 2025. Các sản phẩm khác cũng có thể được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc bao gồm iPad, MacBook và Apple Watch.
Tin cùng chuyên mục